Strozzapreti – Món Mì Ý Được Sinh Ra Để Bóp Cổ Linh Mục

Pasta là một trong những món ngon nhất thế giới, nhưng bạn nên cẩn thận khi đến Italy và gọi một đĩa Strozzapreti.

Khác với những loại mì có tên gọi mỹ miều khác, Strozzapreti có hình dáng giống cái thòng lọng. Và ý nghĩa của loại mì này cũng được thể hiện ngay trong cái tên của nó. Trong tiếng Italy Strozza có nghĩa là “làm nghẹt thở, bóp cổ”, còn preti có nghĩa là “linh mục, thầy tu”.

Theo người dân địa phương, Strozzapreti có một quá khứ đen tối. Loại mì hình xoắn ốc này có từ những năm 1600, được sinh bởi lời nguyền chống lại những tu sĩ háu ăn của miền trung Italy. Đây cũng là thời điểm mà quyền lực nằm trong tay Giáo hoàng, nhiều luật lệ đáng sợ được ban hành từ vùng biển Adriatic tới Tyrrhenian.

Quyền lực của giới tăng lữ cũng rất lớn. Nhà thờ nắm giữ mọi thứ, từ của cải vật chất đến linh hồn của mọi tầng lớp, từ nông dân, tiểu thương cho đến giới nghệ sĩ, thợ thủ công.

Do đó, các linh mục, giám mục đều rất giàu có. Họ có trong tay nhà thờ, đất đai, đường sá, sông, đồi, rừng, núi, các cửa hàng và quán rượu. Không dừng lại đó, những người này còn được biết đến với lòng tham vô đáy, họ liên tục tăng thuế cho mọi loại hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí, họ còn bắt giáo dân bỏ tiền để đổi lấy sự tha thứ cho những tội lỗi mà mọi người phạm phải, cũng như mua chỗ cho mình và người thân trên thiên đường.

Không chỉ thế, giới tăng lữ còn có rất nhiều người tham ăn. Họ thường không bao giờ trả tiền, và các bữa ăn “chịu” như thế thường rất xa hoa, lãng phí với đồ ăn ngon và rượu vang. Sự tham ăn đó còn là nỗi kinh hoàng của nhiều hộ gia đình kinh doanh nhà hàng vào mỗi tối. Khoảnh khắc các linh mục, thầy tu “đi dạo” trên phố để quyết định vào ăn nhà nào thực sự là giây phút khiến nhiều người “nín thở”.

Do sự áp bức này, người dân địa phương đã không khỏi tức giận. Nhưng điều duy nhất họ có thể làm là âm thầm nguyền rủa giới tăng lữ. Họ tin rằng, pasta có thể làm thúc đẩy một loại bùa mang tính chất trừ tà và tiêu diệt được các giáo sĩ.

Do đó, khi làm Strozzapreti, tại mỗi đoạn xoắn của sợi mì họ lại đọc lời nguyền rủa với hy vọng, các thầy tu, linh mục háu ăn sẽ chết vì nghẹt thở khi đang ngấu nghiến dùng món này. Đoạn xoắn đó, tượng trưng cho cổ họng của linh mục sẽ bị bóp nghẹt.

“Mannaggia te, te mannaggia” (Ngươi bị nguyền rủa) là điệp khúc được nghe thấy nhiều nhất trong nhà bếp của người dân thời đó. Nó giống như một câu thần chú ma thuật Voodoo, được thốt ra qua kẽ răng.

Theo truyền thuyết của người dân địa phương, các tu sĩ đã bị chết nghẹn khi ăn món mì này. Sợi mì dính chặt vào cổ họng họ, khiến họ không thể thở và khuôn mặt lần lượt đỏ lên.

Người dân Italy có một câu nói vui, đó là “tôn giáo đến rồi đi nhưng ẩm thực ngon là vĩnh viễn”. Dù ngày nay, giới tăng lữ không còn kiểm soát đời sống của người dân Italy, nhưng món Strozzapreti vẫn là một trong những món ăn được nhiều người yêu thích nhất.

Hàng năm, lễ hội mì Strozzapreti được diễn ra ở nhiều khu vực tại miền trung đất nước, thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm.

Tuy nhiên, đến nay, loại mì này được làm ra không phải để nguyền rủa người ăn, nhưng thực khách vẫn phải hết sự cẩn thận nếu gọi Strozzapreti. Do món mì này rất ngon, nên mọi người vẫn thường ăn nhanh và xúc miếng to. Một lời khuyên của dân địa phương dành cho thực khách chính là: bạn nên nhai Strozzapreti thật kỹ trước khi nuốt, nếu không muốn bị mắc nghẹn như những thầy tu háu ăn.

vnexpress.net

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Copyright © 2022. Thiết kế bởi Lê Minh Thành.